Cấu trúc thị trường tài chính

Thị trường tài chính là một hệ thống phức tạp trong đó có hàng nghìn các tổ chức thành viên, hàng triệu đơn vị tham gia và hàng tỉ giao dịch được thực hiện mỗi ngày. Hoạt động giao dịch trên những thị trường tài chính vượt qua các giới hạn về địa lý và thời gian, những đơn vị giao dịch (cá nhân và tổ chức) từ những điểm hoàn toàn khác xa nhau có thể trao đổi và giao dịch với nhau vào bất kỳ thời điểm nào. Sự toàn cầu hóa trong các giao dịch này thậm chí còn làm người ta đặt ra câu hỏi về vai trò của chính phủ các nước và khả năng giám sát những giao dịch đang diễn ra hàng ngày trên khắp thế giới này. Liên tục mở rộng hơn trên phạm vi quốc tế, các giao dịch tài chính đang diễn ra liên tục kín mỗi vòng quay đồng hồ, tương ứng là những thị trường tài chính liên tục vận động và liên tục thay đổi.


Tuy nhiên nếu xét về bản chất, chức năng cơ bản mà thị trường tài chính thực hiện cho nền kinh tế trên thực tế là không nhiều nhưng lại có vai trò rất quan trọng. Những chức năng này nằm ở vị trí trung tâm của nền kinh tế, nhờ đó mà các hoạt động đầu tư, tích kiệm, giao dịch được đảm bảo thực hiện thông suốt, đầy đủ và không gặp phải khó khăn, rủi ro.
Ba chức năng cơ bản của thị trường tài chính xoay quanh vấn đề luân chuyển vốn từ những chủ thế kinh tế thừa vốn đến những chủ thế kinh tế thiếu và có nhu cầu vốn. Điều này đảm bảo sự luân chuyển các nguồn lực giữa các đơn vị kinh tế khác nhau trong một nền kinh tế nói chung. Và thị trường tài chính hỗ trợ quá trình này bằng cách cung cấp các dịch vụ tài chính cần thiết.
  • Thứ nhất, thị trường tài chính hỗ trợ cho sự hình thành và phân phối của các công cụ vốn (sở hữu) và các công cụ nợ;
  • Thứ hai, thị trường tài chính thúc đẩy sự hình thành của những cơ chế nhờ đó những công cụ nói trên có thể được chuyển đổi ngược lại thành tiền và tăng tính thanh khoản chung cho thị trường; và
  • Thứ ba, thị trường tài chính thúc đẩy sự hình thành và phát triển của những tổ chức có khả năng hỗ trợ các giao dịch được tiến hành một cách đầy đủ và an toàn.
Hoạt động tạo chứng khoán mới
Chức năng quan trọng nhất được thực hiện trên thị trường tài chính là tạo chứng khoán mới. Nhu cầu mua/bán lại chứng khoán là rất hiện hữu, những dịch vụ tài chính đều hướng đễn hỗ trợ cho hoạt động luân chuyển các nguồn lực này giữa bên có nhu cầu và bên cung cấp. Chính vì thế mà việc đầu tiên - việc tạo ra các chứng khoán có vai trò rất quan trọng. Với nhà đầu tư, chứng khoán dưới dạng vốn cổ phần thể hiện quyền lợi của họ với khả năng sinh lời của một doanh nghiệp, dưới dạng chứng khoán nợ thể hiện quyền lợi gắn với tài sản và/hay các khoản thu nhập của doanh nghiệp. Có ba kênh cơ bản tạo ra chứng khoán mới và phân phối đến các điểm dư thừa vốn trên thị trường là (i) Đầu tư vốn riêng lẻ (góp vốn riêng lẻ), (ii) Bảo lãnh phát hành chứng khoán, và (iii) Trung gian tạo lập và mua các loại chứng khoán mới. Đây là các hoạt động cơ bản trên thị trường sơ cấp.
Đầu tư riêng lẻ (private placement)
Trong hoạt động đầu tư riêng lẻ, một tổ chức tài chính có chức năng thích hợp, thường là một ngân hàng đầu tư hay ngân hàng thương mại sẽ tìm kiếm vốn cho một công ty tư nhân hay một ty cổ phần tìm kiếm vốn (Vai trò của ngân hàng đầu tư hay ngân hàng thương mại ở góc độ này là một đơn vị trung gian đứng ra sắp xếp giữa bên đầu tư và bên nhận đầu tư). Tổ chức tài chính trung gian này sẽ sắp xếp để một nhà đầu tư (một tổ chức tài chính lớn, một nhà đầu tư hay một đơn vị trung gian mua lại) thực hiện mua toàn bộ lượng chứng mới do đơn vị nhận đầu tư phát hành ra. Tổ chức tài chính trung gian sẽ nhận phí cho dịch vụ của mình.
Do những chứng khoán mới phát hành này chỉ được bán tới một hoặc một số nhà đầu tư chứ không bán rộng ra cho mọi đối tượng có nhu cầu mua, cách thức giao dịch, giá cả giao dịch có những đặc điểm riêng đồng thời khả năng thành công cao hơn và ít rủi ro. Vai trò của tổ chức tài chính trung gian tương tự như một đơn vị cố vấn đối với công ty đang có nhu cầu bán cổ phần theo phương thức này để tìm kiếm vốn. Trong phương án bán cổ phần riêng lẻ, các điều khoản thực hiện có thể được điều chỉnh cho rất sát với thỏa thuận mua bán và hợp tác giữa bên mua và bên bán. Ngoài ra, do được tiến hành theo kiểu "trong nhà", hoạt động giao dịch này không phải qua quá nhiều khâu trung gian cũng như không phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán, do đó quá trình giao dịch cũng diễn ra nhanh và ít chi phí hơn.